Khi trồng cây trong chậu, cây có thể sẽ phát triển nhanh hơn, đồng đều hơn, có vẻ ngoài cuốn hút hơn và thậm chí có kích thước lớn hơn rất nhiều so với cây ngoài tự nhiên, do người trồng có thể kiểm soát hoàn toàn môi trường sống của cây. Và đây cũng là mục tiêu của việc trồng và chăm sóc cây.
Có 3 yếu tố chính để cây phát triển tốt là đất trồng, ánh sáng và nước tưới. Bài viết này sẽ tập trung vào phần đất trồng.
1. Yêu cầu chung
Sen đá và xương rồng cần đất:
-
- giàu dinh dưỡng
- tơi xốp
- thoát nước tốt
- và hơi có tính a xít
Chúng tôi nghe rất nhiều những lời phàn nàn từ người trồng sen đá hoặc xương rồng rằng cây không phát triển mặc dù họ đã trồng chúng trong đất cát khô cằn và không tưới nhiều nước, vì “đây là cách chúng phát triển trong tự nhiên”. Đây là ý tưởng hoàn toàn sai lầm và chúng tôi hy vọng mọi người sẽ thay đổi sau khi đọc xong bài viết này.
Một loại đất trồng cơ bản có thể sử dụng cho rất nhiều hoàn cảnh khác nhau sẽ bao gồm theo thể tích: 1 phần đất thịt (có thể có lẫn một ít cát hoặc đất sét), 1 phần cát sông thô (có thể có lẫn một ít chất hữu cơ), 1 phần chất hữu cơ, 1/4 phần phân bò hoặc phân gà tơi khô. Khi trộn đều hỗn hợp này, sẽ cho ra một loại đất hữu cơ có tính a xít khá giàu dinh dưỡng, và hỗn hợp này sẽ giải phóng đủ chất dinh dưỡng cho cây theo đúng tỷ lệ trong khoảng thời gian từ 12 – 18 tháng.
Hỗn hợp đất trồng trên bao gồm 2 phần chính: phần chất vô cơ và phần chất hữu cơ.
Phần chất vô cơ có thể được trộn từ những nguyên liệu: đá Akadama, đá Pumice, đá Kanuma, đá Pearlite, đá Zeolite, đá Vermiculite, đá núi lửa, đất thịt, cát sông, sỏi nhỏ, xỉ than, …
Phần chất hữu cơ có thể được trộn từ những nguyên liệu: mùn dừa, xơ dừa, vỏ thông, tro trấu, mùn rêu, phân chuồng, …
Hỗn hợp đất có tỷ lệ chất vô cơ càng nhiều sẽ càng thoáng và thoát nước tốt, nhưng có ít chất dinh dưỡng cho cây phát triển.
Hỗn hợp đất có tỷ lệ chất hữu cơ càng nhiều thì sẽ càng có nhiều chất dinh dưỡng và càng giữ nước lâu, nhưng ẩm ướt dễ gây thối rễ.
Tùy vào mục đích cũng như hoàn cảnh và môi trường trồng cây, có thể phối trộn tỷ lệ chất hữu cơ và chất vô cơ theo rất nhiều cách khách nhau.
Phân chuống có thể được thay thế bằng phân vô cơ tan chậm. Tuy nhiên, đối với người mới trồng cây chúng tôi khuyên là vẫn nên dùng phân hữu cơ, vì sự cân bằng a xít của đất không dễ bị ảnh hưởng. Người mới trồng cây thường chỉ trồng cây con, mà cây con thích chất dinh dưỡng hữu cơ hơn trong những giai đoạn sinh trưởng mạnh nhất của chúng.
Theo thời gian, chất dinh dưỡng trong đất trồng dần cạn kiệt và cấu trúc khô thoáng, thoát nước tốt của đất dần bị suy yếu. Hỗn hợp đất trồng từ từ dính lại với nhau chặt hơn theo thời gian, đất chặt hơn khiến nước tưới không thể thấm sâu vào trong đất hoặc rất khó để thoát nước sau khi đất đã ướt. Càng để lâu, điều này càng gây hại cho sức khỏe và sự phát triển của cây. Và đây cũng là thời điểm cần thay đất hoặc thay chậu cho cây.
Cây có thể được chuyển từ chậu này sang chậu khác bằng 1 trong 2 cách: thay chậu giữ nguyên đất và thay chậu kết hợp thay đất.
Thay chậu giữ nguyên đất
Lấy cây và khối đất bao bọc rễ cho vào một chậu khác, sau đó cho thêm đất trồng mới ở xung quanh. Việc này nên được thực hiện ngay khi bộ rễ cây bắt đầu phủ kín chậu; điều này có thể dễ dàng kiểm tra được bằng cách nhấc cây ra khỏi chậu và kiểm tra sự phát triển của rễ trong khối đất rễ đang bám vào. Với kinh nghiệm, người trồng có thể biết được bằng cách quan sát khi nào cây chậm phát triển và cần thay chậu. Đối với những cây phát triển nhanh, việc thay chậu có thể cần phải thực hiện mỗi 3 tháng một lần.
Thay chậu kết hợp thay đất
Việc thay chậu theo cách này được thực hiện khi đất trồng đã cạn kiệt chất dinh dưỡng hoặc mất đi cấu trúc khô thoáng, thoát nước tốt. Lấy cây ra khỏi chậu, lắc mạnh, loại bỏ đất khỏi rễ, loại bỏ tất cả rễ chết; có thể cắt ngắn rễ dài bằng dao hoặc kéo. Cho một ít đất vào đáy chậu mới, neo cây ở độ cao cần thiết và đổ đầy đất mới vào, cần đảm bảo rễ cây được trải ra và được đất bao bọc hoàn toàn. Sau đó dộng nhẹ chậu lên mặt phẳng để đất trồng nén xuống hoặc có thể dùng ngón tay nén chặt. Không nên đổ quá nhiều đất, cần chừa khoảng trống từ 5 – 10mm lên tới mép chậu. Sau khi thay chậu, nên trì hoãn việc tưới nước khoảng 1 tuần, sau đó lại tiếp tục tưới nước theo chu kỳ bình thường.
Lưu ý
Không thay chậu giữ nguyên đất khi đất trồng đã cạn kiệt chất dinh dưỡng, mà cần thay chậu kết hợp thay đất.
Đôi khi, vì nhiều lý do, người trồng cây không thể thay chậu được cho một số cây khi chúng thực sự cần. Trên thị trường, có nhiều loại phân dạng viên tan chậm, giải phóng dinh dưỡng cân bằng trong vài tháng. Có thể sử dụng phân này cho những cây đó khi chúng vào mùa phát triển tích cực. Bằng cách này, cây sẽ không phải chịu cảnh vừa thiếu dinh dưỡng vừa không có đất khô thoáng, thoát nước tốt.
Vào mùa nắng, sen đá và xương rồng thường sử dụng nước nhiều hơn nên tình trạng đất không khô thoáng hoặc thoát nước tốt ít gây ra vấn đề hơn so với những tháng mùa mưa.
Việc khử trùng đất bằng nhiệt hoặc bằng hóa chất để kiểm soát mầm bệnh và cỏ dại được thực hiện ở nhiều vườn ươm, nhưng đối với người trồng cây ở nhà, chúng tôi khuyên là không nên thực hiện. Thường thì quá trình khử trùng cũng sẽ tiêu diệt luôn các sinh vật có lợi, phân hủy một phần chất dinh dưỡng mà cây có thể sử dụng và tạo ra một hỗn hợp đất trơ không hỗ trợ cây phát triển tốt.
Đất đã được sử dụng rồi thì không bao giờ được đưa vào lại khi thay chậu hoặc trồng cây mới, vì chúng luôn có xu hướng tích tụ các mầm bệnh gây hại cho cây hoặc cho các sinh vật có lợi trong đất.
Cây có gai thường có thể được xử lý trong quá trình thay chậu bằng cách sử dụng vải, bìa carton hoặc giấy báo bao xung quanh cây hoặc trên đỉnh cây nếu chậu và cây được lật ngược lại để lấy cây ra. Gai khi đó sẽ không bị gãy hoặc đâm vô tay.
Nhiều người mới trồng cây thường bị thu hút bởi lớp phủ hoàn thiện, gọn gàng, đẹp mắt trên bề mặt của những chậu cây được bán ở các tiệm cây hoặc vườn ươm. Lớp phủ hoàn thiện, gọn gàng này có được bằng cách rải sỏi, đá, gạch vụn hoặc cát lên phía trên mặt đất. Ưu điểm là làm tăng tính hấp dẫn để dễ bán cây cũng như ngăn ngừa đất bẩn bắn lên cây khi tưới nước. Nhược điểm là cây sẽ bị bao bọc nhiều hơn trong những vật liệu khó thoát hơi nước tạo điều kiện ẩm ướt cho các sinh vật gây bệnh hoặc nấm tấn công cây. Ngoài ra người trồng cũng không nhìn thấy bề mặt đất để biết khi nào đất đã khô và cây cần tưới nước hoặc đất đã thoái hóa và cần thay đất.